Việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ tiểu học phòng ngừa điện giật được các bậc phụ huynh quan tâm. Bởi hầu như ở độ tuổi nhỏ, trẻ nghịch ngợm đôi khi có thể cắn hay nhét những đồ vật bằng kim loại vào ổ điện hay nghịch phích cắm điện. Đó là lý do không ít trường hợp trẻ bị điện giật tới mức chấn thương, thậm chí tử vong. Dạy trẻ những điều cơ bản về điện và nguy hiểm về điện có thể giữ cho chúng an toàn khi ba mẹ không thể giám sát mọi lúc mọi nơi.
Nguyên nhân khiến trẻ bị điện giật
- Do trẻ luôn tò mò, ham thích khám phá những điều mới lạ: Tai nạn có thể xảy ra khi trẻ chạm tay vào các thiết bị điện hay dây điện đang bị hở khiến điện rò rỉ ra ngoài và trẻ chạm phải. Trẻ lấy tay, dao kéo, que sắt… chọc vào ổ điện hoặc dùng cây chọc, móc diều và bị giật.
- Do hệ thống điện trong nhà chưa đảm bảo an toàn: Ổ cắm điện trong gia đình không được che lại, kéo điện bằng dây trần, không cho vào ống dẫn điện hay điện bị rò rit gây tai nạn điện giật cho trẻ.
- Do người lớn không cẩn thận khi sử dụng xong các thiết bị điện và để tránh xa tầm tay trẻ hoặc kỹ năng xử lý khi trẻ bị điện giật trong gia đình cũng như tại các điểm vui chơi.
- Do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng địa phương đối với việc câu móc điện, khiến dây điện hở, đứt vương xuống đường gây tai nạn cho người vướng phải. Việc câu móc điện cũng thường xảy ra tại những nơi sản xuất tư nhân, nhiều khi gây ra những vụ tai nạn điện giật, cháy nổ rất nghiêm trọng và trẻ em cũng là những nạn nhân.
Kỹ năng sống cho trẻ phòng chống điện giật
Phòng tránh là trên hết
- Thiết kế các dây điện âm tường, hoặc sử dụng các ống luồn dây điện để các đường dây điện gọn gàng và tránh bị vật nuôi hay chuột cắn.
- Sử dụng các nắp che ổ điện để bé không thể chọc tay vào ổ điện.
- Nên sử dụng các loại phích cắm 3 chấu vì chấu thứ 3 là chấu tiếp đất tránh trường hợp bị rò rỉ điện gây nguy hiểm cho người sử dụng.
- Cất các dây sạc điện thoại khi sạc xong để tránh trường hợp trẻ nghịch ngợm và cắn hay cho vào mũi hoặc miệng.
- Không cho trẻ sử dụng các thiết bị điện hay máy sấy tóc trong phòng tắm.
- Rút các phích cắm điện các đồ điện tử sau khi dùng xong.
- Luôn để mắt đến trẻ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi từ 0-6 tuổi.
Dạy trẻ các nguyên tắc an toàn điện
Ngoài việc chủ động phòng tránh tai nạn điện bằng các cách ở trên trong gia đình. Các bậc cha mẹ nên hướng dẫn trẻ những nguyên tắc an toàn điện dưới đây.
- Không được cắm bất cứ vật gì vào ổ điện vì có thể bị điện giật hoặc gây hỏa hoạn.
- Trẻ dưới 6 tuổi, khi cần cắm điện hoặc bật công tắc để sử dụng vật dụng gì đó, hãy nhờ người lớn giúp đỡ.
- Trẻ trên 6 tuổi, luôn dặn trẻ lau tay khô trước khi tự cắm điện/bật công tắc điện.
- Không được chơi quanh khu vực trạm biến áp điện.
- Không thả diều gần đường dây điện hoặc trạm biến áp vì diều và dây có thể dẫn điện – gây điện giật.
- Không trèo lên cột điện hoặc trèo lên cây gần đó để lấy diều bị mắc kẹt ở trên cao.
- Không bao giờ đi gần cột điện, tránh xa dây điện bị đứt, nhất là vào lúc trời mưa.
Cách xử lý khi phát hiện trẻ bị điện giật
Trẻ nhỏ, đặc biệt là khi bắt đầu biết cầm nắm mọi vật rất dễ cho mọi thứ vào miệng hay cắn, chọc các đồ vật vào ổ cắm, chọ tay vào ổ cắm,… Trong trường hợp phát hiện trẻ bị điện giật cha mẹ cần:
- Ngắt nguồn điện trước khi chạm vào trẻ.
- Để lấy một sợi dây điện ra khỏi người trẻ, sử dụng cây khô, một tờ báo, quần áo dày hoặc một vật cứng, khô, không dẫn điện.
- Hạn chế di chuyển trẻ vì nếu bị điện giật quá nặng có thể gây ra nứt cột sống ở trẻ.
- Khi đã ngắt dòng điện, hãy kiểm tra hơi thở, màu da và sự tỉnh táo của trẻ. Nếu trẻ bị bỏng hoặc không thở hoặc không có nhịp tim, hãy hô hấp nhân tạo ngay lập tức, đồng thời gọi cấp cứu.
>>> Tìm hiểu thêm: Kỹ năng sống cho trẻ sống tự lập ngay từ nhỏ
Kết,
Trên đây là các thông tin bổ ích trong việc dạy kỹ năng sống cho trẻ tiểu học phòng chống điện giật trong gia đình. Việc thường xuyên nhắc nhở và trang bị kiến thức an toàn về điện cho trẻ là cách tốt nhất để hạn chế các trường hợp đáng tiếc xảy ra.