Xã hội ngày này đã phát triển và thịnh vượng hơn thời ông bà ta ngày trước rất nhiều lần. Tuy nhiên, ta chưa kịp mừng vì sự đi lên thì đã phải giật mình bởi sự xuống cấp trầm trọng của ý thức, đạo đức của con người. Liên tiếp những sự việc nào là bạo hành trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, buôn bán trẻ em xuyên biên giới núp bóng dưới hình thức cho, nhận con nuôi.
Chưa bao giờ chúng lại thấy tính mạng, sức khỏe của con em mình bị đe dọa nhiều đến như vậy. Cũng chính vì lý do đó, các bậc phụ huynh đang có xu hướng dạy kĩ năng sống cho trẻ ngay từ sớm, để chính bản thân các em tự nhận biết nguy hiểm, mối đe dọa để phòng tránh. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những kỹ năng sống mầm non thiết yếu giúp trẻ tránh được các mối hiểm họa đang rình rập ngoài xã hội.
1. Không “đụng chạm” những chỗ nhạy cảm trên cơ thể
Đây có lẽ là một kỹ năng “có vẻ” mới nhưng cực kì cần thiết cho trẻ, nhất là trong thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục mà đối tượng chủ yếu lại là trẻ em. Nếu là trước kia, cha mẹ thường thiên về dạy các em cách ứng phó khi bị lạc, khi gặp người lạ,… thì đây lại là một bài học hoàn toàn mới mà có khi chính cha mẹ cũng không lường được là xã hội lại có ngày xảy ra những sự việc như thế này, nhất là khi thủ phạm không còn là “người lạ nơi cuối con đường” mà lại hiện diện xung quanh khu vực sống như bác hàng xóm, bạn bố mẹ, chú bảo vệ,….
Vậy, làm thế nào để giúp bé nhận thức được những hành động “xâm hại” và có cách ứng phó phù hợp ? Ngoại trừ ba mẹ giúp trẻ trong việc tắm rửa khi bị bệnh hoặc trong một số tình huống y tá, bác sĩ thăm khám sức khỏe có sự giám hộ của người thân còn lại không ai được tùy tiện chạm vào cơ thể trẻ, đặc biệt là những vùng nhạy cảm. Mẹ có thể giải thích với con đó là những bộ phận riêng tư và bí mất không phải ai cũng có quyền xem. Giải thích với con rằng ba mẹ có thể thấy con ở trần, còn những người khác thì không. Nếu trẻ còn nhỏ, cần mẹ hỗ trợ tắm mỗi ngày, nhân dịp chỉ có hai mẹ con, mẹ có thể thủ thỉ: “Mẹ có thể chạm vào vùng kín của con. Ngoài mẹ ra không ai được phép sờ.
Bất cứ ai sờ vào vùng kín của con như vậy đều là người xấu”. Nghe thì vẫn có vẻ hơi “đơn giản” quá nhưng có lẽ đây là cách tiếp cận vấn đề có thể chấp nhận được, và cha mẹ cần thường xuyên căn dặn cũng như theo sát các bé, dần dần sẽ giải thích thêm cho bé hiểu khi bản thân các bé đã có đủ khả năng nhận thức về vấn đề hơi “nhạy cảm” này.
2. Phòng tránh bị bắt cóc
Đây có thể được coi là kỹ năng sống mầm non cổ điển nhưng như ông bà ta vẫn nói: “Gừng càng già càng cay”, thủ đoạn của những “ông ba bị” ngày càng tinh vi, phức tạp hơn theo thời gian, chính vì vậy nên những bài học, tình huống phòng tránh bắt cóc cho trẻ mầm non vì thế mà ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và quan trọng là phải thật sát với thực tế, có như vậy bé mới không bị bỡ ngỡ và có thể ứng xử hợp lý ở một mức nào đó khi gặp phải các tình huống nguy hiểm.
Bài học đầu tiên, cha mẹ cần dạy bé biết tránh xa “người lạ”. Cần dạy trẻ không được tự ý bắt chuyện với người lạ, cũng không được giúp đỡ người lại trừ khi cha mẹ cho phép, nhất khi đang ở công viên, nhà văn hóa,.. tóm lại là những nơi công cộng, đông người. Cha mẹ cũng có thể giải thích thêm rằng như vậy là không lịch sự, rằng không người lớn nào lại cần trẻ em giúp đỡ cả. Thêm nữa, cha mẹ không bao giờ cho phép bé đi chơi một mình, phải có bạn bè đi cùng và cha mẹ cũng phải nắm được bé chơi ở địa điểm nào, nhà bạn nào.
Để hiệu quả nhất, cha mẹ nên tạo ra những mật mã riêng mà chỉ cha mẹ, những người thân thiết mới được biết và dặn bé nếu có ai tự nhận là người quen thì phải nói ra được mật mã mới được tin, và để “chắc cốp hơn”, cha mẹ nên rèn luyện cho bé phát ra những tiếng thét to, dài, vang đủ để nghe thấy trong một phạm vi nhất định, như vậy cơ hội để bé bị kẻ xấu tiếp cận, bắt cóc sẽ được giảm thiểu đi đáng kể
Tuy nhiên, trong tình huống thực sự nguy cấp như đang ở nơi tương đối vắng người, kẻ xấu có mang vũ khí, lúc này bé lại cần. Khi thấy có kẻ cầm hung khí, các bé hãy chạy nhanh và ném sách vào người đối tượng đó, và hét to. Khi bị khống chế, hãy phản kháng bằng cách đá, cắn… Tạo ra bất cứ tiếng động nào để gây sự chú ý từ người khác. Nhanh chóng chạy về nhà mình, nhà hàng xóm hay một cửa hàng và hô hoán bị bắt cóc. Nếu một ai định dụ bé vào xe ô tô, các bé hãy chạy tới đoạn đường đối diện chiếc xe, buộc kẻ tình nghi phải chạy lòng vòng.
Nếu các bé ở cạnh xe đạp thì hãy ôm ghì lấy nó, kẻ bắt cóc sẽ không thể đưa cả người và xe vào trong xe của bọn chúng. Nếu bé đang trên phố và không còn đường chạy, hãy ôm chặt lấy cột đèn, thùng thư hay thùng rác cố định khi đang cầu cứu.Nếu bị một đối tượng tóm lấy, các bé hãy cuộn người và hét: “Người này không phải bố (hay mẹ) cháu”! Nếu kẻ tấn công chộp lấy áo hay ba lô của bé, bé hãy bỏ lại áo hay ba lô và chạy đi kêu cứu.
3. Sử dụng công nghệ 4.0
Sống trong thời đại công nghệ 4.0, nếu không biết tận dụng công nghệ để bảo vệ và dạy bé những kỹ năng sống mầm non thiết thực thì quả là uổng phí. Thật vậy, bên cạnh phương pháp giáo dục trẻ em truyền thống, cha mẹ có thể kết hợp thêm những mô hình học cụ trực quan sinh động hơn, ví dụ như cho trẻ xem thêm các video, clip về các tình huống mà bé có thể gặp nguy hiểm, hoặc cha mẹ có thể trang bị cho bé một chiếc điện thoại con dành cho trẻ, hoặc những thiết bị như vòng đeo tay, đồng hồ (hiện nay đã được bày bán khá nhiều trên thị trường) có chức năng liên lạc với bố mẹ, gọi cảnh sát,…
Không chỉ vậy, cha mẹ cũng có thể theo dõi con khi đeo các thiết bị này trên người, nhờ chức năng GPS, bố mẹ có thể dễ dàng theo dõi vị trí chính xác của con. Việc này sẽ giúp cảnh sát tìm kiếm trẻ trong trường hợp xấu nhất xảy ra, thậm chí khi cần có thể kích hoạt giúp bé chức năng chuông báo động, thật là quá tiện lợi. Nếu biết cách tận dụng những tiến bộ của khoa học ngày nay, cha mẹ sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều trong việc giáo dục cũng như theo sát, đảm bảo cho sự an toàn của trẻ mỗi ngày.
>>> Tìm hiểu thêm: https://hockinhte.info/mach-ba-me-tieu-chuan-chon-truong-mam-non-tot-o-quan-go-vap/